Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay Tượng_Quan_Thế_Âm

Tượng Quan Thế Âm nhiều tay (gỗ, khoảng thế kỷ XVIII), bộ sưu tập nghệ thuật Việt Nam của Bảo tàng Guimet, Paris.

Quan Thế Âm là vị bồ tát có nhiều phép thuật, hay cứu chúng sinh nên ngài có nghìn mắt, nghìn tay và được gọi là Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (Quan Âm nghìn mắt nghìn tay). Hình tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay đã có mặt tương đối sớm. Các tùy vật của Quan Âm thương thấy có ở các cánh tay này: cây gậy hành hương, mũi tên, Mặt Trăng, hoa sen xanh, bình nước, ngũ sắc tường vân, kiếm, hoa sen trắng, sọ người, gương soi, chùm nho, cây kích, kinh văn, thủ ấn, đinh ba, tràng hạt, phật, thiên cung, phất trần, thiền trượng, cung tên, hoa sen đỏ, vòng tay...

Việt Nam, hình tượng này có từ thời Lý, Trần và đạt tới đỉnh cao nghệ thuật vào thế kỷ XVII với tượng Phật Quan Âm ở chùa Bút Tháp. Theo kinh điển của phái Mật tông, trong quá khứ xa xôi, Quan Âm được nghe Thiên quan Vướng Tĩnh Chú Như Lai giảng về Đại Bi Tâm Đà la Ni, sau đó đã xuất hiện trên người nghìn mắt để thấy khắp |thế gian]] và nghìn tay để cứu vớt chúng sinh. Còn ở Việt Nam, câu truyện cổ tích "Bà chúa Ba" hay "Sự tích Phật Bà nghìn mắt nghìn tay chùa Hương Tích" đã giải thích cho lý do xuất hiện hình tượng Quan Âm này. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Mễ Sở, Hưng Yên và ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh là hai tượng Quan Âm tiêu biểu về nghệ thuật và trí tưởng tượng phong phú của nghệ nhân.

Tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Phiên bản tại Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam]]Một trong những tượng Bồ Tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất và được coi là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam là tượng Quan Âm Nam Hải tại chùa Bút Tháp. Trên bức tượng này có sự kết hợp hài hòa của tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Nho giáo. Thời điểm xuất hiện tượng là vào thế kỷ XVII, khi mà Nho giáo đã có một vị trí khá vững chắc trong xã hội Việt Nam nên nhiều quy chuẩn, cách thức của tượng có ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Tượng cao 3,7 m, vành hào quang rộng 2,1 m và bệ tượng dày 1,15 m. Ngoài hai đôi tay chính được chắp trước ngực theo kiểu "liên hoa hợp chưởng" và được đặt trên đùi theo kiểu "thiền định" thì tượng còn có 38 cánh tay lớn nằm ở hai bên. Cánh tay xa nhất có chiều dài là 2 m. Đằng sau lưng Phật có 789 cánh tay nhỏ, được sắp xếp theo những vòng tròn đồng tâm và được đặt so le nhau ở từng lớp, tạo thành một vòng hào quang cho tượng. Những cánh tay này vừa là ánh sáng hào quang, vừa là những con mắt thấu suốt coi trông nhân loại.

Đây là bức tượng được triều đình cung tiến cho chùa và là bức tượng duy nhất trong hệ thống tượng cổ Việt Nam có ghi niên đại năm tạc, tên người tạc. Trên tượng có ghi: "Tuế thứ Bính Thân niên, thu nguyệt, cốc nhật doanh tạo. Nam Đông Giao Thọ nam tiên sinh phụng khắc". Tượng phối hợp cả hai dạng xuất hiện của Quán Thế Âm, đó là Quán Thế Âm Thập nhất diện đại bi thế tự tại (zh. 十一面大悲世自在, sa. ekādaśamahākāruṇika-lokeśvara) với 8 tay và Thiên thủ thiên nhãn thế tự tại (zh. 千手千眼世自在, sa. sahasrabhuja-lokeśvara) với gần 1000 cánh tay, đồng thời, trong lòng mỗi bàn tay đều có chạm một con mắt, làm cho bức tượng mang ý nghĩa kép. Những cánh tay ở đây vừa là ánh hào quang độ lượng của Phật, vừa tượng trưng cho những bàn tay dang ra cứu vớt đời, vừa là những con mắt thấu suốt coi sóc đến chúng sinh.

Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Thập Nhất Diện Quan Thế Âm Bồ Tát 42 thủ ấn tại Chùa Vạn Phước, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Tượng Bút Tháp cũng thể hiện một hình thức đặc trưng cho các tượng Quan Âm là dạng nữ tính của tượng. Các tượng nam tính thường dong dỏng cao, vai nở, bụng thon, còn ở đây hình ảnh người mẹ, người phụ nữ được thể hiện qua chi tiết khuôn bụng đầy đặn, vai không quá to, tỷ lệ vừa phải. Phật có khuôn mặt dôn hậu, điềm tĩnh siêu thoát. Hai bên đầu tượng còn được tạc thêm hai bộ mặt ở hai bên má và có thêm 8 bộ mặt ở 3 tầng trên mũ và trên đỉnh có một pho tượng A-đi-đà. Truyền thuyết kể lại rằng, khi nhìn nỗi khổ của chúng sinh trong địa ngục, ngài kinh hoảng đến mức đầu vỡ tung thành 10 mảnh. A-di-đà, vị Phật đỡ đầu của ngài, biến mỗi mảnh đầu vỡ đó thành một đầu (hoặc gương mặt) nguyên vẹn. Chín gương mặt có nét hiền hậu, gương mặt thứ 10 thì hung tợn vì người ta cho rằng, với một gương mặt hung tợn Bồ tát dễ xua đuổi các loại tà ma. Gương mặt thứ 11 (hoặc nguyên hình tượng) là Phật A-di-đà.

Tượng Bút Tháp còn có một điều khá đặc biệt là 4 vòng sắt lớn được gắn vào thân mình tượng giống hệt vị trí như ở các tượng Tứ Pháp. Tác dụng của những vòng này của tượng Tứ Pháp là để dùng khi rước Tứ Pháp vào ngày 4 tháng 8 Âm lịch để cầu mưa, cầu mùa. Như vậy, chắc có điều gì đó liên quan và giao thoa trong tín ngưỡng giữa tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt và Tứ Pháp.

Tượng tại chùa Mễ Sở

Tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Mễ Sở, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam

Trong số các tượng loại này ở Việt Nam thì tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Mễ Sở, Hưng Yên có số lượng tay nhiều nhất, tới hơn một nghìn chiếc (1.113 tay). Ngoài việc các cánh tay được ghép thành hình vòng cung như ở tượng chùa Bút Tháp, nó còn được phát triển tiếp lên phía trên đầu vị Phật, tạo thành các đường vòng uốn khúc liên tục như những đám mây cuộn. Đặc biệt, các tay nhỏ của Quan Âm không chỉ tạc từ cánh tay trở ra như tượng chùa Bút Tháp mà nó còn có thêm phần gập của khuỷu tay. Đôi tay trên cùng được chụm lại ở phía trên đỉnh của mũ thiên quan (được gọi là tay Đảnh hóa Phật), hình thức này được làm theo khuôn mẫu của tượng Phật Trung Quốc. Điểm ấn tượng nhất của pho tượng này là có thêm một đôi tay ở sau lưng tượng (được gọi là tay Phổ Lễ), việc này làm cho bức tượng có thêm một không gian nữa, tạo thành không gian đa chiều cho việc thưởng thức nghệ thuật tượng. Thân hình tượng Mễ Sở nhỏ hơn tượng Bút Tháp.